Cải cách văn tự, sai khác khẩu âm và tương quan với phiên âm Hán Việt Phiên_âm_Hán_–_Việt

Chữ Hán tự kiểu cổ điển (phồn thể) được cải cách có quy mô lớn và toàn diện bởi đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau 1949 thành chữ giản thể, các khu vực khác có sử dụng chữ Hán không dùng chữ Giản thể của đại lục nhưng vẫn có ít nhiều thay đổi Hán tự.[7] Tuy nhiên thực tế là sự cải cách chữ viết (đôi khi mang tính cưỡng bức bởi ý chí chủ quan của người cầm quyền) đã có từ lâu trước đó, chẳng hạn, Võ Tắc Thiên đã cho đổi hàng chục chữ Hán liên quan đến tên mình[8]. Kết quả của sự cải cách là diện mạo chữ viết bị thay đổi ít nhiều so với nguyên gốc. Chẳng hạn chữ 隻 phiên âm Hán Việt là "chích", 只 phiên âm Hán Việt là "chỉ" trước đây đều tồn tại, sau cải cách giản thể được hợp nhất thành 只 (các khu vực ngoài đại lục vẫn dùng cả hai chữ), chữ 只 thừa hưởng bính âm của cả chữ 只 cũ và chữ 隻, bởi vậy nếu khiên cưỡng nói 只 có 2 bính âm (Zhǐ và Zhī) dẫn đến 2 phiên âm Hán Việt (chỉ và chích) là sai lầm.

Một Hán tự có thể có nhiều cách đọc, tuy nhiên đôi khi sự sai khác chỉ đơn thuần do khẩu âm từng khu vực, do mức độ phổ biến tương đương mà đều trở thành quy chuẩn nhưng không có tính chất ước định, bởi vậy không thể xem là có 2 bính âm mà phiên âm Hán Việt đồng nhất. Chẳng hạn 誰 có phiên âm Hán Việt là "thùy" với pinyin là Shuí và Shéi nhưng không cố định, có thể tùy ý, trái lại từ 薄 có phiên âm Hán Việt là "bạc" với pinyin là Báo trong hầu hết trường hợp, nhưng riêng 薄荷 nhất định pinyin là Bò (薄荷Bòhé phiên âm Hán Việt là Bạc hà).[9]